Hiển thị các bài đăng có nhãn Kinh doanh Online. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Kinh doanh Online. Hiển thị tất cả bài đăng

Giải pháp gỡ rối tài chính cho doanh nghiệp

Rắc rối tài chính làm cho doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn: sản xuất bị đình trệ, nhân viên có thể bị sa thải hàng loạt, uy tín và vị thế đang có trên thị trường có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng…
Vì lẽ đó, rắc rối tài chính luôn là "cơn ác mộng" của các công ty. Tuy vậy, vấn đề nào cũng sẽ có cách giải quyết, các rắc rối tài chính vẫn có thể được giảm nhẹ, và việc này phụ thuộc phần lớn vào năng lực xử lý các tình huống tài chính của bạn – người chủ doanh nghiệp. Dưới đây là những cách sẽ giúp bạn phần nào khi gặp phải những rắc rối này.

1. Tuân thủ nghĩa vụ thuế
Quy tắc thứ nhất dành cho những công ty đang gặp rắc rối tài chính là hoàn thành đúng hạn việc đóng các khoản thuế theo luật định.
Nếu hoạt động kinh doanh của bạn thuộc hình thức doanh nghiệp cổ phần hay công ty trách nhiệm hữu hạn, và các cơ quan thuế có thẩm quyền phạt bạn vì lý do chậm nộp thuế, thì niềm tin của đối tác vào công ty bạn sẽ giảm sút. Thậm chí nếu hoạt động kinh doanh chuẩn bị đi đến phá sản, bạn vẫn có mặt trong danh sách đối tượng có nghĩa vụ nộp thuế.
2. Ngăn chặn các rắc rối về lưu lượng tiền mặt
Khi nhận ra mình không có đủ tiền để thanh toán các hoá đơn đến hạn, bạn hãy giảm tỷ lệ “xói mòn” tiền mặt ngay lập tức bằng việc cắt giảm chi phí tới mức thấp nhất. Sau đó, chuẩn bị dự án tiền mặt ngắn hạn và chuẩn bị ngay những nhu cầu cấp thiết của bạn. Lên danh sách những khoản tiền người khác nợ bạn và thu hồi về càng nhiều càng tốt. Từ số tiền này, bạn hãy ưu tiên chi trả cho những khoản cần thiết như thuế và các chi phí quan trọng, tuy nhiên bạn có thể hoãn chi trả những hoá đơn khác như của nhà cung cấp hay các chủ nợ lớn.
3. Tránh những khoản thanh toán ưu đãi cho các chủ nợ
Luật phá sản có những quy định chặt chẽ về việc thanh toán các khoản nợ. Nó được gọi là những “khoản thanh toán ưu đãi”.
Nếu bạn đệ đơn xin bảo hộ phá sản, thì tất cả các khoản nợ của bạn trong vòng một năm trước khi đệ đơn sẽ được các chủ nợ phân tích kỹ lưỡng để chắc chắn rằng không xảy ra trường hợp một vài chủ nợ nào đó sẽ được thanh toán toàn bộ, trong khi những người khác không nhận được chút nào hay chỉ nhận được một phần nhỏ mà thôi.
Ngoài việc phá sản, nếu bạn đi vay đồng thời cầm cố hay ký quỹ tài sản, các chủ nợ sẽ hoàn toàn có quyền quyết định đối với tài sản đó, tuy nhiên về phương diện pháp lý, bạn có thể thanh toán cho một chủ nợ không có bảo đảm tài sản trước các chủ nợ khác.
4. Đừng nói dối về các khoản nợ
Khi hoạt động kinh doanh bắt đầu gặp phải những vấn đề tài chính, có thể bạn sẽ nghĩ ngay đến việc vay mượn tiền. Nhưng trước khi làm điều này, bạn cần cân nhắc một cách cẩn trọng về khoản vay: liệu nó có thể khiến cho hoạt động kinh doanh phục hồi trong tương lai, hay nó chỉ làm cho vấn đề nợ nần của bạn trở nên trầm trọng hơn.
Nếu bạn vẫn quyết định tìm kiếm một khoản vay mới, hãy thẳng thắn nói ra tình hình tài chính của công ty mình, bởi khi bạn bóp méo các khoản nợ để mong có được một khoản vay mới, thì theo các quy định pháp luật, bạn đã có hành vi gian lận trong các hoạt động tài chính. Điều này khiến bạn phải chịu trách nhiệm pháp lý về các khoản nợ, thậm chí ngay cả trong trường hợp bạn bị phá sản. Có thể thấy rằng, khi dính líu đến những đồng vốn vay mượn, các khoản nợ có thể gây phiền phức cho bạn trong nhiều năm.
5. Đừng vay mượn từ Quỹ trợ cấp, lương hưu của công ty
Rất nhiều quỹ trợ cấp lương hưu không cho phép bạn vay mượn tiền (hay lấy tiền) từ quỹ. Nếu bạn làm như vậy, bạn có thể bị phạt lên đến 115% khoản tiền vay. Tồi tệ hơn, quỹ này do đó sẽ không đảm bảo theo quy định, đồng nghĩa với việc mọi hoạt động rút tiền sẽ bị nghiêm cấm, bạn phải chịu thuế thu nhập và khoản tiền phạt chậm thanh toán.
Một số quỹ khác của công ty cho phép bạn vay mượn tiền vì những mục đích đã được thông qua, nhưng bạn hãy suy xét kỹ lưỡng trước khi làm việc này: số tiền dự trữ phòng ngừa rủi ro sẽ nhỏ hơn và nếu thất bại trong việc hoàn trả khoản vay này, bạn có thể kết thúc với trách nhiệm thanh toán thuế thu nhập trên khoản tiền đã rút và chịu phạt thêm khoản tiền 10% – 25% số tiền vay.
6. Tìm kiếm sự giúp đỡ từ các hãng bảo hiểm
Nếu hoạt động kinh doanh của bạn phải tái cơ cấu tổ chức theo đúng quy định của luật pháp, thì bạn có thể có một quãng thời gian khó khăn để tìm kiếm sự đồng thuận từ các hãng bảo hiểm sẵn lòng giúp đỡ phục hồi hoạt động kinh doanh của bạn hay đề ra một chính sách mới.
Vì vậy, nếu bạn đang lên kế hoạch tìm kiếm sự bảo hộ phá sản, hãy chắc chắn rằng mình có khoản tiền bảo hiểm đảm bảo chi trả trong ít nhất 12 tháng sắp tới. Bạn sẽ cần tiền để thanh toán những khoản nợ đến hạn, và miễn là bạn trả phí bảo hiểm, các hãng bảo hiểm sẽ không thể từ chối chi trả cho bạn. Nhờ vậy, bạn có thể tận hưởng chút ít thư thái trong tâm hồn để tiếp tục hoạt động kinh doanh của mình.
7. Hãy cẩn thận khi chuyển nhượng các tài sản kinh doanh
Đôi lúc, vì sự liều lĩnh, bạn sẽ cố bảo vệ tài sản bằng việc che giấu chúng. Khi các chủ nợ truy tìm những tài sản được che giấu này thì kế sách trên xem ra không hiệu quả và có thể khiến bạn bị kết tội biển thủ tài chính.
Đặc biệt, bạn không nên:
– Chuyển tài sản sang cho bạn bè hay người thân nhằm thoát khỏi sự kê biên của các chủ nợ hay của toà phá sản.
– Che đậy tài sản và doanh thu khi được cơ quan chức năng yêu cầu thông báo.
8. Đừng hoảng loạn về những động sản hay bất động sản đi thuê
Nếu bạn tuyên bố phá sản, các công ty cho thuê tài sản không thể sử dụng việc phá sản để bào chữa cho việc ngừng cung cấp dịch vụ và thu hồi tài sản, mặc dù họ có thể yêu cầu bạn đưa ra những tài sản thế chấp hợp lý để đảm bảo lòng tin.
Tương tự như vậy, miễn là bạn tiếp tục trả tiền thuê, những người cho thuê không thể từ chối bạn được. Đừng hoảng sợ bởi những điều khoản thường được ghi vào hợp đồng thuê thương mại là bạn sẽ tự động bị đặt vào tình trạng vỡ nợ đối với bên cho thuê, nếu bạn đệ đơn xin phá sản. Những điều khoản như vậy thường không có hiệu lực pháp lý bắt buộc thi hành (nhưng có thể bắt buộc đối với người thuê lại và người được uỷ quyền).
9. Quan tâm đến việc trả lại một số tài sản đi thuê
Nếu bạn đang đi thuê tài sản, thiết bị và bạn chắc chắn rằng sẽ không muốn giữ chúng sau khi đệ đơn xin phá sản, bạn hãy nghĩ đến việc trả lại cho công ty cho thuê trước khi nộp đơn.
Nếu bạn làm như vậy với những thiết bị có giá trị thấp hơn những gì bạn nợ theo hợp đồng thuê, bạn sẽ có lợi rất nhiều bởi khi phá sản, sự thiếu hụt này sẽ có mặt trong danh sách những khoản nợ bạn phải trả.
Mặt khác, nếu bạn muốn giữ lại những tài sản đi thuê, bạn sẽ cần thanh toán tiền thuê đúng hạn và trách nhiệm này sẽ không được giải quyết trong quá trình bảo hộ phá sản
Rắc rối tài chính là “mớ bòng bong” mà không một công ty nào muốn vướng vào, nhất là trong các cuộc giao thương quốc tế.
Hoạt động kinh doanh ngày càng mở rộng, những hợp đồng mua bán thường có giá trị hàng triệu USD và rắc rối tài chính dường như đang trở thành người bạn song hành. Sai một ly, đi một dặm. Một “sơ sẩy” tài chính cũng có thể khiến công ty đến gần bờ vực của sự phá sản. Hy vọng là với những lời khuyên trên đây, bạn sẽ không để một rắc rối tài chính nhỏ trở thành cuộc khủng hoảng tài chính lớn ở doanh nghiệp mình.
(Thao Anet)

Quảng Cáo Banner Và Những Vấn Đề Cần Lưu Ý

Quảng Cáo Banner Và Những Vấn Đề Cần Lưu Ý

Banner quảng cáo có thể tạo nên điều kỳ diệu đối với kinh doanh trực tuyến, nhưng cũng như tất cả các hình thức marketing khác, chúng phải được thực hiện ngay. Đầu tiên, hãy xem xét một trong những vấn đề nổi bật nhất của việc đăng banner quảng cáo.Các vấn đề của quảng cáo banner
Một khi bạn đã hiểu các vấn đề của quảng cáo banner là gì, bạn có thể hình thành nhiều sáng kiến, sáng tạo mới để có kết quả tốt.

1. Vấn đề cố hữu của việc đặt banner quảng cáo là làm sao cho người dùng internet nhấp chuột vào quảng cáo. Chính vì vậy, bạn cần biết vị trí khách hàng truy cập đầu tiên để đặt banner. Ngay lập tức, bạn sẽ tạo ra sự thu hút hút với những người mà bạn cố gắng nhắm đến. Thông thường, những người lướt web có nhiều khả năng sẽ:
- Tham gia vào các mạng xã hội
- Nghiên cứu một cái gì đó
- Cố gắng để thưởng thức một video
Hầu hết các quảng cáo không giúp những người lướt web thực hiện được một trong 3 điều trên, điều đó lý giải tại sao những nhà marketing online trẻ tuổi hạn chế tiếp thị đột phá và tập trung vào nội dung để thay thế những hình thức marketing đó.
2. Vấn đề thứ 2 của quảng cáo banner là chúng làm cho website chậm hơn và làm giảm hiệu suất của máy tính, là rào cản để tiếp cận với những người lướt web. Đây là lý do tại sao rất nhiều người lại cài đặt phần mềm chặn quảng cáo.
- Trang chủ của bạn: Chúng tôi rất ít khi đề nghị bạn đặt link trỏ về trang chủ. Nếu quảng cáo của bạn thiên về quảng bá thương hiệu, thì lưu lượng truy cập nên được chuyển về trang chủ, tuy nhiên đừng mong đợi lượng truy cập này sẽ chuyển đổi thành người mua hàng.
Chỉ đặt banner quảng cáo ở những website có liên quan: Nếu bạn định đặt những quảng cáo của mình ở tất cả những nơi nào có thể trên Internet, bạn sẽ phải trả một khoản chi phí lớn cho những quảng cáo kém hiệu quả. Do đó, chỉ lựa chọn những website mà khách hàng mục tiêu của bạn thường xuyên truy cập. Website càng chuyên biệt càng tốt.
3 cách dễ dàng để có một quảng cáo banner thành công
Chìa khóa để một quảng cáo banner chạy tốt là phải hiểu các vấn đề mà chúng tôi đã đề cập ở trên và sẵn sàng nghĩ về cách mà bạn có thể nhận được sự chú ý hoặc giúp đỡ của những người lướt web click vào quảng cáo của bạn. Dưới đây là một vài ý tưởng hướng dẫn cách tạo ra những điều đó:
Sáng tạo khi giải quyết các vấn đề của khách truy cập: Nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng nhiều nhà kinh doanh bán lẻ lại coi nhẹ vấn đề sáng tạo cho nghệ thuật quảng cáo của họ. Làm gì để gây được sự chú ý của mọi người? Khách hàng mục tiêu của bạn quan tâm đến điều gì?
Kiểm tra: Những quảng cáo banner bạn đưa ra, bạn phải thử nghiệm xem nó hoạt động như thế nào. Từ đó, lặp lại nhiều lần ở các thông điệp, các trang đích và tác phẩm của bạn. Bạn cần đo lường và theo dõi hiệu quả tốt nhất của các quảng cáo với những đo đạc cho website của bạn.
Vị trí đặt banner quảng cáo
Bây giờ, bạn đã hiểu rằng quảng cáo sáng tạo thường xuyên sẽ tốt hơn những quảng cáo nhàm chán, một trong những yếu tố góp phần làm nên sự thành công của những banner quảng cáo là xác định được các website mà bạn đặt quảng cáo là gì và bạn nên đặt những banner của mình ở đâu trên những website đó.
Trước khi tạo ra một quảng cáo, điều đầu tiên bạn nên làm là đưa ra một danh sách có khoảng từ 10 đến 20 websites và blog mà bạn muốn chạy quảng cáo. Bạn sẽ có thể nhắm mục tiêu đến các website mà khách hàng tiềm năng của mình thường xuyên truy cập.
Một số trang web có thể đồng ý cho bạn quảng cáo trực tiếp. Hãy tìm kiếm liên kết ở gần cuối trang và sẽ thấy thông tin liên hệ quảng cáo.
Liên hệ với chủ sở hữu những website đó và yêu cầu họ cung cấp báo giá – ngay cả khi họ đã công khai báo giá. Mục đích để bạn có thể bắt đầu một cuộc nói chuyện chậm và tự nhiên với họ. Những người này có ảnh hưởng quan trọng và có khả năng đáp ứng yêu cầu của bạn và quan trọng nhất là để nhằm xây dựng một mối quan hệ kinh doanh tốt với họ – sau đó đưa ra một thỏa thuận tốt nhất.
Mô hình chữ F
Hầu hết những người lướt web đều quét các trang theo mô hình chữ F. Họ đọc từ trái sang phải và thường quét trên cùng của trang trước, trở về cột bên trái và quét ở giữa – một lần nữa quét từ trái sang phải. Cuối cùng họ quay lại cột trái và di chuyển xuống dưới.
Vì thế, một cách tự nhiên, dựa vào mô hình hành vi này, vị trí tốt nhất để đặt banner quảng cáo có thể là góc trên cùng bên trái hoặc đơn giản là hàng đầu của bất kỳ website nào. Đây chỉ là một nguyên tắc nhỏ nhưng sự thật là tất cả các trang web đều có một vị trí lý tưởng dựa vào cách bố trí, màu sắc và các yếu tố khác để tạo ra những hành động trên website. Hãy tìm hiểu những vị trí tốt nhất và đề nghị được đặt banner ở những vị trí đó
Trang đích
Bạn nên đưa ra một vài ý tưởng như là nơi mà bạn muốn có được lượng truy cập từ quảng cáo banner, tùy thuộc vào nội dung quảng cáo mà bạn có thể link về:
- Trang danh mục: Nếu quảng cáo của bạn được thực hiện cho một trong những sản phẩm của mình, bạn có thể chuyển lưu lượng về trang danh mục. Bạn có thể muốn đặt một sản phẩm nào đó được hiển thị trên vị trí trên cùng như là những sản phẩm có giá trị thấp nhất hoặc những sản phẩm tiêu biểu của bạn.
- Trang chi tiết sản phẩm: Nếu bạn đang quảng cáo cho một sản phẩm cụ thể, hãy trỏ link về trang sản phẩm chi tiết. 99% thời gian này sẽ cho kết quả chuyển đổi cao hơn.
- Trang quảng cáo: Trong một vài trường hợp, bạn có thể cho đi một cái gì đó hoặc mang đến cho mọi người một cuộc thi. Trong những trường hợp này, không cần làm gì để thúc đẩy nó, chỉ cần gửi link trực tiếp.

Nguồn: Chiến lược Marketing

Những Tips Giúp Tăng Lượt Hiển Thị Nội Dung Lên Facebook

Facebook đã xây dựng những thuật toán riêng để tính toán và cho phép một số nội dung được xuất hiện nhiều hơn các nội dung còn lại trên News Feed.
Nhiều thành viên Facebook phàn nàn rằng họ chia sẻ thông tin trên Facebook mà nhiều bạn bè của họ không hề đọc được qua News Feed mà phải trực tiếp truy cập vào Timeline. Lars Backstrom, kỹ sư phụ trách hệ thống xếp hạng News Feed, cho biết mỗi ngày có “hàng chục nghìn” thông tin người dùng đưa lên mạng xã hội. Khi mở Facebook, trung bình có khoảng 1.500 post chờ sẵn để người dùng theo dõi từ ảnh cưới của bạn thân, lời than thở ngày đầu tháng cho đến các thông tin tẻ nhạt như anh A vừa kết bạn với chị B…
Do hiếm có ai có đủ thời gian để duyệt hết ngần đó thông tin, Facebook chấm điểm và xếp hạng các post để điều chỉnh tần suất xuất hiện. Vậy những thông tin như thế nào sẽ được ưu tiên trên News Feed ?

Từ khóa “Congrats”
“Congratulations” (Chúc mừng) chính là “từ khóa vàng” để Facebook ưu tiên đưa một nội dung lên đầu. Từ khóa này có thể xuất hiện ngay trong một post hoặc trong phần bình luận. Chẳng hạn, người dùng chia sẻ về một sự kiện quan trọng trong cuộc đời như tốt nghiệp, đám cưới, sinh con… và bạn bè vào chia vui bằng những từ như “Congratulations”, “Congraz”, “Congrats”…
Phó giáo sư Zeynep Tufekci tại UNC iSchool (Mỹ) cho biết nhiều người đang cố tình đưa những lời chúc mừng vào trong post, như một người bạn của bà đã nhờ một số bạn bè chúc mừng vì bán được một chiếc camera cũ. Bạn bè của người này nói post đó đã đứng trên News Feed của họ tới vài ngày.
Hiện chưa rõ sự ưu tiên này được áp dụng cho từ “Chúc mừng” trong tiếng Việt hay chưa
Chia sẻ ảnh với kích cỡ phù hợp
Tuy không có thống kê chính xác, nhiều chuyên gia mạng xã hội cho biết trong số các nội dung đăng trên Facebook như status, link, ảnh, video… thì ảnh luôn đem lại kết quả “khả quan” nhất, được hiển thị nhiều trên News Feed hơn khoảng 5-20 lần so với các nội dung còn lại
Người dùng cũng nên đăng ảnh với chiều rộng và dài không quá 1.200 x 1.200 pixel. Facebook đánh giá cao ảnh vừa vặn với kích cỡ hiển thị của màn hình, và những bức ảnh như thế được xếp vào diện “nội dung tốt”, tức có thêm cơ hội ưu tiên trên News Feed

Kích thích sự tương tác
Chia sẻ nội dung đa dạng hoặc gây tranh cãi là một trong những cách thu hút số lượt like, comment cao hơn. Khi post mới được đăng, chỉ một lượng nhỏ người dùng nhìn thấy được nội dung đó. Nếu ít người phản hồi, Facebook sẽ giảm số lượt hiển thị và ngược lại, sự tương tác càng cao thì nội dung lại càng dễ xuất hiện rộng trên News Feed, đồng thời được ưu tiên thông qua cơ chế gợi ý như “thành viên A vừa bình luận/like nội dung của thành viên B”…

Chia sẻ link trực tiếp thay vì đăng ảnh kèm link
Facebook đã thực hiện khảo sát và thấy rằng người dùng có thói quen click khi nội dung đăng dưới dạng link cao hơn là đăng dưới dạng hình ảnh và chú thích ảnh kèm link. Do đó, Facebook khẳng định sẽ ưu tiên hiển thị nội dung dưới dạng chia sẻ link trực tiếp hơn, và giảm lượng hiển thị đối với nội dung là ảnh hoặc status có kèm link.


Nội dung bên trái sẽ được Facebook ưu tiên hơn nội dung bên phải.
Nguồn: VnExpress

Mặt tối của Facebook: Cuộc chiến ngầm không ai hay biết & nền ”kinh tế like”

“Trộm cắp kỹ thuật số giờ nhiều như rươi”.
Một cuộc chiến tranh ngầm đang diễn ra tại Facebook mà chúng ta không hề hay biết, đó là cuộc chiến giữa các công ty và những hacker trẻ tuổi. Facebook quả là một mỏ vàng lớn, những ai đã khai thác thành công không chỉ phải ngồi “canh chừng vàng” mà còn phải chơi trò mèo vờn chuột với hacker liên tục.
Dù Facebook vốn không cho phép mua bán like hay fanpage nhưng điều này vẫn diễn ra mạnh mẽ, hình thành nên các chợ giao dịch fanpage, những “các-ten” like, hay nói cách khác, cả một “nền kinh tế like”
Ngày 10 tháng 2, Jason Fyk – ông chủ của các trang WTF Magazine, FunnierPics.net,… – chợt nhận được tin nhắn lạ từ một nhân vật tên Anthony không nằm trong danh sách bạn bè với nội dung: “Người anh em” (“Bro”). Chỉ vài phút sau, lưu lượng trang web FunierPics.net của anh đang từ 3000 bỗng tụt xuống con số 0. Nhấn vào fanpage WTF Magazine trên Facebook, Fyk lại thấy một tin nhắn khác từ Anthony: “Sites down ” ( “Sập rồi ” )
Xây dựng cơ đồ từ Facebook
Trang web của Fyk đã bị hack, và đây không phải lần đầu. Suốt mấy năm qua anh luôn bị lôi kéo vào những cuộc chiến bất đắc dĩ chống lại các tay hacker trẻ tuổi trên Facebook. Nói về hacker Anthony, cậu có một nhóm tên là The Community, chính cậu cũng đã thừa nhận hoạt động của nhóm là cướp những fanpage có giá trị để cho vui và nổi tiếng.
The Community kết nối với hàng nghìn hacker trẻ tuổi. Anthony, người sáng lập ra group bí mật trên Facebook cho biết cộng đồng này đã lan rộng sang cả Twitter, Instagram, Skype và Tumblr.
Nhân viên của Fyk nhanh chóng nhận ra rằng FunierPics.net bị tấn công từ chối dịch vụ phân tán (tấn công DDoS – Viết tắt của Distributed Denial of Service). Liên lạc với nhà cung cấp tên miền GoDaddy, Fyk được biết rằng đã có khoảng 70.000 server bị chết khiến hơn 1 triệu khách hàng bị mất trang web. IP của Fyk cũng là mục tiêu của nhóm hacker.
Fyk giải thích: “Hãy tưởng tượng World Wide Web là một đường cao tốc sáu làn, mỗi làn có đường ra riêng, một trong số các làn là của tôi. Bọn hacker thả thêm nhiều “phương tiện giao thông” xuống làn đường để lối ra của tôi bị tắc nghẽn.”
Trong 16 tiếng đồng hồ, trang web của Fyk đã được khôi phục nhưng anh mất 15.000 USD doanh thu quảng cáo. Kể từ đó, công ty anh cũng phải chịu thêm một vài vụ tấn công tương tự. Fanpage về MTV với 1,3 triệu người theo dõi đáng giá nhất của Fyk cũng bị tấn công và đánh cắp từ một lỗ hổng bảo mật.

Fyk, 40 tuổi, một triệu phú đứng lên từ bàn tay trắng, xây dựng toàn bộ cơ đồ nhờ Facebook. Năm 2005, anh lập nên trang web WTFMagazine.com (WTF là viết tắt của “Where’s The Fun), nơi chia sẻ những nội dung hài hước. Hiện Fyk đang sở hữu khoảng 40 fanpage, nắm trong tay hơn 28 triệu like. Lượt xem của toàn bộ các fanpage của anh lên tới hàng chục triệu mỗi tháng, mang lại cho anh hàng triệu đô la mỗi năm nhờ quảng cáo.
Trò chơi trốn tìm với hacker

Facebook là một mảnh đất kinh doanh đầy hứa hẹn. Người ta nhận ra sức mạnh của fanpage mới cách đây không lâu. Tất cả mọi người, từ “teen” cho tới các nhà phát triển đều tranh giành nhau thị trường béo bở này, thậm chí đôi lúc còn kiếm số lượng người theo dõi bằng những phương cách bất hợp pháp. Có những công ty đứng ra xúc tiến mua bán các fanpage giá trị, mặc dù Facebook vốn không cho phép việc này diễn ra.
Tuy vậy, kho vàng khổng lồ ấy vẫn tiềm tàng đầy rẫy các khó khăn. Những người như Fyk không những phải chơi trò mèo vờn chuột với các hacker mà còn phải chơi trên một trận địa liên tục thay đổi vì Facebook không ngừng điều chỉnh thuật toán.
Tuy là trò trốn tìm trong thế giới ảo nhưng mọi chuyện không hề giản đơn chút nào, nó có thể phát sinh ra những mối đe dọa đời thực, lừa đảo tiền của thật cùng những rắc rối với cảnh sát. Dù Facebook có những biện pháp bảo mật nhưng người ta vẫn phải thốt lên: “Trộm cắp kỹ thuật số giờ nhiều như rươi”.
Nền kinh tế like: Cái bắt tay giữa fanpage mạnh với đối tác
Sau sự ra đời của fanpage đầu tiên trên Facebook, một loạt fanpage khác, kể cả các trang vô nghĩa, cũng có thể phát triển ăn theo nhanh chóng. Những trang giật gân lại càng bùng nổ hơn. Khi Paul Walker qua đời, một fanpage tưởng niệm về cái chết của nam diễn viên này mang tên R.I.P Paul Walker đã nhanh chóng thu hút 422.000 người theo dõi chỉ trong vài ngày.
Giờ đây khi Facebook đã bão hòa với đủ kiểu fanpage, cách dễ nhất để có số lượng người theo dõi “khủng” là mua lại các trang đã có sẵn. Việc mua bán này hoàn toàn bị cấm vì các fanpage không hề thuộc sở hữu của người quản lý mà là Facebook, nhưng cái lý này chẳng ngăn cấm nổi ai.
Các bên xúc tiến giao dịch mua bán fanpage, dù đây là điều Facebook không cho phép.
Trang FanPageTrading.com duy trì một thị trường trực tuyến để mua bán fanpage. Một dịch vụ khác mang tên Content Promoters cũng đứng ra giao dịch các loại fanpage, 20 USD cho trang 1000 like, 40 USD cho trang 2500 like. Fyk cũng định giá thị trường cho các fanpage của mình với tổng giá trị trên 1 triệu USD. Anh cho biết hiện nay nhiều nhà phát triển đang hợp tác với các fanpage lớn để phát triển mạng lưới.
Upworthy là trang web có lượng độc giả từ 0 tăng lên 30 triệu hàng tháng trong suốt hơn một năm là nhờ lưu lượng trên Facebook. Trang này đã bắt tay với các fanpage vững chân để tăng lượt xem. PolicyMic – một startup truyền thông - cũng tăng được 10 triệu lưu lượng hàng tháng cũng bắt tay với khoảng chục fanpage để lây truyền nội dung.
Trước đây, bán và hợp đội với các fanpage khác là một cách để đảm bảo lưu lượng trên mạng xã hội. Fyk cho biết: “Cách đây vài năm, các trang khác có thể đăng tải chéo giúp bạn, và bạn sẽ trố mắt khi thấy lượng người theo dõi tăng lên ồ ạt”.
Tuy nhiên từ khi thuật toán EdgeRank của Facebook thay đổi, việc tăng trưởng nhờ xúc tiến chéo khó khăn hơn. Lượng người mà một nhà phát triển có thể đưa nội dung tới thông qua fanpage đã giảm bớt.
Trả lời thắc mắc của họ, Facebook cho biết: “Hiện nay nội dung trên Facebook cung nhiều hơn cầu. Trung bình cứ khi vào Facebook thì có khoảng 1.500 câu chuyện có thể xuất hiện trong News Feed mỗi cá nhân. Trong khi đó News Feed được thiết kế để hiển thị những nội dung liên quan tới cá nhân đó nhất.” Chính vì vậy có nhiều thứ chẳng bao giờ được hiện ra nữa.
Trở lại với những công ty như Fyk, việc phát triển đang ngày một khó khăn và tốn kém, hiện mỗi ngày anh phải chi 1.000 USD cho việc quảng cáo trên Facebook. Scott DeLong, nhà sáng lập của trang ViralNova đã phải so sánh Facebook với núi lửa: “Chẳng ai biết khi nào mọi thứ sẽ nổ bùng lên. Facebook thay đổi liên tục chứ không bao giờ dừng lại ở một điểm nhất quán”.
Để giúp đảm bảo lưu lượng, việc mua bán, giao dịch trên Facebook đã trở nên ngày một phổ biến. Tuy nhiên, hãy còn một cách khác phổ biến không kém để nhanh chóng có được một lượng người theo dõi “khủng”: Đánh cắp.

Nguồn: Tri Thức Trẻ ( Chiến lược Marketing )

Tăng Tỷ Lệ Nhấp Chuột

Tỷ lệ nhấp chuột (Click Through Rate – CTR) đã trở thành một trong những chỉ số xác định một chiến dịch quảng cáo. Các lưu ý sau đây có thể làm tăng CTR cho chiến dịch quảng cáo trực tuyến một cách dễ dàng và thông minh.
1. Lập mục tiêu và kỳ vọng
Khi banner quảng cáo đầu tiên xuất hiện trên màn hình, thông thường, CTR sẽ đạt trên 5%, còn trung bình là từ 2 – 3%. Hiện nay, khi đủ loại biểu ngữ tràn ngập trên các trang web, hầu hết các chiến dịch quảng cáo trực tuyến chỉ đạt CTR trung bình từ 0,2 – 0,3%.
Nhiều nhà quảng cáo không biết thế nào là CTR tốt, và một số không có mục tiêu thực tế cho một chiến dịch. Bằng cách xóa bỏ những điều không chắc chắn từ ban đầu và thiết lập những mục tiêu thực tế, có thể đạt được, bạn đã thiết lập cho mình con đường đến thành công.
2. Biết cụ thể vị trí của người dùng
Một người đàn ông đi mua một chiếc xe mới có thực sự cần sản phẩm chăm sóc, làm đẹp da? Hay một người phụ nữ đi mua quần áo mới có cần thuốc tăng ham muốn tình dục?
Không phải người dùng lướt web ghét quảng cáo, mà họ chỉ ghét những quảng cáo không liên quan đến họ. Vì vậy, cần phải biết rõ khách hàng của mình là ai, thường truy cập những trang web nào, vị trí quảng cáo nào thường thu hút họ nhất.
3. Tạo một biểu ngữ thú vị
Về cơ bản, các biểu ngữ đồ họa phương tiện truyền thông có khả năng mở rộng và phong phú thì có thể thực hiện tốt hơn lên đến 400% so với một biểu ngữ tĩnh. Quảng cáo video cũng là một phương tiện có thể làm tốt hơn cả truyền hình mà lại có chi phí rất thấp.
Tuy nhiên, dù sáng tạo thế nào đi nữa, biểu ngữ quảng cáo không nên thổi phồng giá trị thực tế của sản phẩm hoặc gây nhầm lẫn cho người sử dụng. Nếu bạn nhận được đến 5% CTR nhưng không bán được một sản phẩm, thì cần xem lại quảng cáo của mình.
4. Màu sắc, kích cỡ và vị trí
Nhiều người cho rằng màu sắc tươi sáng và rực rỡ là một cách dễ dàng để có được cú nhấp chuột, nhưng hiện nay, những quảng cáo “không có pha trộn hoặc nhấp nháy” là khá phổ biến.
Bằng cách chọn màu sắc, phong cách và phông nền hòa trộn vào trang web nhưng vẫn nổi bật, bạn đã góp phần hỗ trợ cho sự thẩm mỹ tổng thể của trang web và có thể làm tăng lượt nhấp chuột.
Có rất nhiều kích cỡ quảng cáo khác nhau, nhưng hầu hết vẫn là 5 kích cỡ IAB chuẩn (468×60, 120×600, 160×600, 728×90 và 300×250). Vấn đề là sử dụng kích cỡ nào để có được phạm vi bao phủ nhiều hơn trên các trang web. Kích thước có sự hiển thị và hình dạng độc đáo sẽ thu hút sự chú ý
Vị trí quảng cáo trên trang web cũng là yếu tố rất quan trọng để có được cú nhấp chuột. Nhiều người lướt qua một trang web mà không cần di chuyển đến tất cả các hướng lên xuống hoặc sang hai bên.
Những quảng cáo xuất hiện trong khung ban đầu của trang web được gọi là quảng cáo “màn hình đầu tiên”. Các quảng cáo nghèo nàn nhất là vào cuối trang và góc của trang, trong khi quảng cáo về phía trên, giữa và gần hai bên sẽ tốt hơn nhiều
5. Khẩu hiệu
Trong khi quảng cáo trực tuyến đã thay đổi rất nhiều thì điều quan trọng là cần giữ lại một số yếu tố cơ bản của quảng cáo truyền thống. Quảng cáo hiệu quả là thu hút cảm xúc của người dùng chứ không phải là sự để ý của họ.
Những lời kêu gọi hành động như “Thử nghiệm miễn phí”, “Hãy nhấp vào đây ngay bây giờ”, “Thời gian có hạn”, hay “Tặng quà” thực sự hỗ trợ việc thu hút sự chú ý của người dùng, nhưng sau cú nhấp chuột đó phải là một sản phẩm hay dịch vụ thật tốt.
6. Sử dụng nhiều sáng tạo khác nhau
Sử dụng một loạt các mẫu thiết kế quảng cáo khác nhau sẽ khuyến khích người dùng nhấp chuột vào quảng cáo của bạn. Bạn có thể thử các màu sắc khác nhau, thiết kế, hình ảnh động… trên một số lượng lớn các trang web. Sau 2 – 3 ngày, bạn có thể xác định những gì tạo ra CTR cao nhất.
7. Phân tích báo cáo hằng ngày
Bạn cần dữ liệu để xác định các thử nghiệm nhằm kiểm tra xem những gì đang làm việc và những gì cần phải được loại bỏ. Sau một vài ngày, bạn sẽ có đủ thông tin để xác định những gì đang làm việc và phân bổ ngân sách trong các lĩnh vực thích hợp. Nếu vẫn chưa thực hiện được, thì việc thử nghiệm nhiều hơn là điều rất cần thiết.

Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn

Ít tiền, tiếp thị sao cho hiệu quả?

Tìm cách sử dụng ngân sách tiếp thị một cách hiệu quả hơn đang là mục tiêu của nhiều doanh nghiệp, nhưng đó là một bài toán không dễ giải quyết. Một câu hỏi đặt ra là: “Ít tiền, tiếp thị sao cho hiệu quả?”
Ardi Kolah, tác giả của cuốn sách High Impact Markerting That Gets Results (tạm dịch: Bí quyết làm tiếp thị hiệu quả) do Nhà xuất bản Kogan Page phát hành, cho rằng dù ngân sách có hạn hẹp thì vẫn có thể làm tiếp thị hiệu quả và đưa ra một số lời khuyên sau:
1. Tìm cơ hội trong khó khăn
Một số doanh nghiệp dễ bị rơi vào cái bẫy của sự tự mãn, tự tin quá mức hoặc đi theo thói quen mà quên mất những cách làm sáng tạo để tiết kiệm chi phí tiếp thị.
Trên thực tế, họ không để ý đến những dấu hiệu ban đầu trong các xu hướng thay đổi về nhân khẩu học, công nghệ và pháp luật nên đánh mất cơ hội để tận dụng những thay đổi đó nhằm sáng tạo ra những sản phẩm, dịch vụ, giải pháp tiên phong. Kolah nhấn mạnh rằng bí quyết để biến thách thức thành cơ hội chính là sử dụng những khó khăn, hạn chế để thúc đẩy sự sáng tạo.Trên thực tế, họ không để ý đến những dấu hiệu ban đầu trong các xu hướng thay đổi về nhân khẩu học, công nghệ và pháp luật nên đánh mất cơ hội để tận dụng những thay đổi đó nhằm sáng tạo ra những sản phẩm, dịch vụ, giải pháp tiên phong. Kolah nhấn mạnh rằng bí quyết để biến thách thức thành cơ hội chính là sử dụng những khó khăn, hạn chế để thúc đẩy sự sáng tạo.
2. Thực hiện chính sách tiết kiệm
Doanh nghiệp không nhất thiết phải có ngân sách lớn để tiếp thị thành công. Những doanh nghiệp tiếp thị thành công nhất đều biết cách sử dụng ngân sách vừa đủ để tạo ra kết quả lớn bằng cách thực hiện sách lược tiết kiệm trong mọi khâu, từ thiết kế sản phẩm, sản xuất, phân phối đến dịch vụ sau bán hàng.
Chính sách tiết kiệm được họ vận dụng không chỉ trong việc sử dụng nguồn vốn và nguồn tài nguyên thiên nhiên, mà còn trong cả cách sử dụng nhân lực và thời gian. Thay vì tự làm hết mọi việc, họ thường liên kết, hợp tác với nhiều đối tác để hướng tới mục tiêu nhanh mà vẫn tiết kiệm được nguồn lực, thời gian và chi phí.
3. Suy nghĩ và hành động linh hoạt
Kolah khuyên doanh nghiệp không nên suy nghĩ cứng nhắc theo lối mòn vì lối suy nghĩ ấy sẽ cản trở việc vận dụng những giải pháp tiếp thị có hiệu quả.
Chẳng hạn không nên nghĩ rằng các đối thủ cạnh tranh lúc nào cũng xấu, còn đối tác thì tốt hoặc các quy định của các cơ quan chức năng thường gây phiền hà và bất lợi cho hoạt động kinh doanh, còn các chính sách bảo hộ thì có lợi.
Trong hoàn cảnh thị trường trong nước và thị trường toàn cầu luôn biến động và thường xuất hiện những tình huống bất ngờ, doanh nghiệp càng phải linh hoạt trong suy nghĩ và hành động.
4. Đơn giản hóa
Cần nhận thức rằng những thông điệp tiếp thị và quảng cáo trừu tượng, hoa mỹ hay kiểu cách quá chỉ làm doanh nghiệp thêm tốn kém, mà khách hàng lại dễ bị phân tâm. Kolah cho rằng thế giới đang có nhiều thay đổi đáng kể.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng chuyển hướng sang những chọn lựa đơn giản hơn, tiết kiệm hơn và có ý nghĩa cho cuộc sống hơn. Các nhãn hiệu nếu thể hiện được thái độ, niềm tin, nhận thức và cách hành xử theo xu hướng đó của người tiêu dùng thì sẽ thu được nhiều lợi ích không chỉ trước mắt, mà còn trong nhiều năm sau.
5. Khai thác triệt để internet
Kolah khuyên doanh nghiệp nên tham gia vào các cộng đồng trực tuyến nhưng vẫn phải giữ được những giá trị cốt lõi, nét văn hóa riêng của mình, tỏ ra minh bạch, luôn lắng nghe khách hàng và giúp khách hàng giải quyết các vấn đề của họ một cách hiệu quả. Có vậy, doanh nghiệp mới xây dựng được niềm tin cho khách hàng bằng những con đường ngắn nhất và tiết kiệm nhất.
6. Không nên quá lệ thuộc vào các đối tác quảng cáo, tiếp thị
Doanh nghiệp không nên tin tưởng hoàn toàn vào các đối tác, mà cần thẳng thắn chia sẻ với họ về các thành công cũng như các bài học cần rút ra sau mỗi chương trình, chiến dịch tiếp thị. Nên thận trọng trước những trường hợp đối tác đề xuất chương trình quá hoành tráng mà không chỉ rõ được những lợi ích cụ thể.
7. Kiên định với định mức chi phí trong kế hoạch
Không ít người tiêu dùng bị rơi vào trường hợp dự định mua một món hàng với số tiền đã định trước nhưng cuối cùng lại móc thêm hầu bao để mua món hàng khác đắt tiền hơn vì bị người bán hàng thuyết phục. Tương tự, các nhà làm tiếp thị cũng có thể bị rơi vào tình huống đó, nhất là khi thiết kế, xây dựng trang web. Kolah khuyên doanh nghiệp nên cân nhắc trước khi đầu tư cho các hoạt động tiếp thị nằm ngoài kế hoạch, không nên bỏ tiền cho những thứ chưa thật sự cần thiết.
8. Tăng cường mở rộng quan hệ
Các công ty, các nhà làm tiếp thị thường muốn duy trì quan hệ với những khách hàng, đối tác đã quen biết từ lâu. Nhưng để phát triển kinh doanh, Kolah khuyên doanh nghiệp nên mở rộng các quan hệ mới (networking). Một trong những cách làm tiếp thị hiệu quả về mặt chi phí là tiếp thị truyền miệng và networking chính là cách tốt nhất để thực hiện điều này.
9. Phối hợp chặt chẽ với khách hàng
Thay vì bỏ ra nhiều chi phí để thực hiện những cuộc khảo sát, nghiên cứu thị trường ở quy mô lớn, Kolah cho rằng doanh nghiệp nên phối hợp chặt chẽ với khách hàng để hiểu rõ mong muốn của họ, từ đó tạo ra những sản phẩm hay dịch vụ đáp ứng đúng nhu cầu của nhiều khách hàng. Chính khách hàng hiện tại sẽ là người định hướng cho doanh nghiệp về cách thiết kế, định giá, phân phối những sản phẩm hợp lý nhất.
10. Luôn rà soát lại kết quả
Ngay cả những chương trình tiếp thị, quảng cáo có vẻ rất thân thiện với giới tiêu dùng cũng có thể trở nên vô nghĩa nếu chúng không đem lại những kết quả mà doanh nghiệp mong đợi. Vì vậy, doanh nghiệp phải luôn rà soát lại các chương trình, hoạt động tiếp thị để có những điều chỉnh kịp thời, tránh lãng phí tiền của và thời gian.

Nguồn: Nhất Nguyên (Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần)