Hiển thị các bài đăng có nhãn Sách tham khảo. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Sách tham khảo. Hiển thị tất cả bài đăng

' Vì sao tôi thất nghiệp - con đường nào cho tôi'' - Ebook



Quyển sách có tên là '' Vì sao tôi thất nghiệp - con đường nào cho tôi''.

Đây là một bài tập của nhóm. Quyển sách nói về thực trạng, các nguyên nhân chính gây nên tình trạng thất nghiệp của sinh viên hiện nay. Giúp sinh viên hiểu rõ hơn về các nguyên nhân từ đó rút ra bài học, kinh nghiệm cho bản thân từ đó có những giải pháp riêng cho bản thân mình.
Bên cạnh đó, quyển ebook còn đưa ra các giải pháp giúp người đọc có định hướng và mục tiêu phấn đấu trong tương lai, tránh sa đà vào ý kiến bi quan từ xã hội.
Quyển sách sẽ giúp sinh viên có cái nhìn nhận sâu sắc, hiểu rõ hơn về vấn đề này. Nó còn giúp các em chưa thi đại học và sắp thi bớt lo lắng về vấn đề này. Bởi, không có con đường nào là hoàn hảo nếu không có sự nổ lực của bản thân. Nó sẽ góp phần xây dựng nguồn nhân lực trẻ, năng động cho xã hội.
Đây không phải là kinh doanh hay quảng cáo có lợi nhuận . Đây chỉ là một bài tập về môn Xuất bản điện tử của nhóm mình. Mình nghĩ nó sẽ giúp các bạn trong Page trao đổi, chia sẽ và mang lại nhiều điều tốt đẹp


Download tại đây

Sách "Xây dựng công ty để trường tồn"

Sách "Xây dựng công ty để trường tồn"
Việc ứng phó đúng với sự thay đổi là gì? Chúng ta hẳn nhiên cần những hình thái tổ chức cũng như những phương thức kinh doanh mới mẻ, thích ứng với thời đại mới; nhưng trong kỷ nguyên hỗn loạn như hiện nay, việc chú ý đến các giá trị nền tảng cơ bản bất biến thậm chí còn quan trọng hơn trong giai đoạn ổn định.

Trong một thế giới biến đổi liên tục, các nền tảng cơ bản đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết

Trong kỷ nguyên của những biến đổi “chóng mặt” này, chúng ta bị tấn công từ tứ phía, bị bủa vây bởi hàng loạt những quan điểm phiếm diện khiến chúng ta không tập trung nắm giữ được những giá trị cốt lõi, khiến ta miệt mài tái thiết rồi phá huỷ mọi thứ, khiến ta điên cuồng chống lại những hỗn loạn, khiến ta căng mình chống trả với một thế giới điên rồ đang bị “tuột xích”. Mọi người đều ý thức được rằng chúng ta đang phải đối mặt với những sự chuyển đổi kịch tính – về xã hội, chính trị, kỹ thuật, kinh tế - vốn là những bài học đau thương mà chúng ta cứ mãi trả cái giá quá đắt để học đi học lại.

Vâng, tôi cho rằng “mọi người” đều sai cả. Vấn đề thực sự cần đặt ra là chúng ta cần xử lý như thế nào cho hiệu quả?

Nhằm nhận biết các nguyên tắc cơ bản bất biến đó, Jerry Porras và tôi đã bắt tay thực hiện dự án nghiên cứu suốt 6 năm và cho ra đời cuốn sách “Xây dựng để trường tồn” (Built to Last)
Chúng tôi đã nghiên cứu quá trình thành lập, tăng trưởng và phát triển của các công ty “trường tồn” theo thời gian, như Hewlett-Packard, 3M, Motorola, Procter & Gamble, Merck, Nordstrom, Sony, Disney, Marriott, and Wal-Mart. Các công ty “biết nhìn xa trông rộng” đó đều có độ tuổi hoạt động trung bình gần 100 năm và vận hành bền vững. Chẳng hạn, cổ phiếu của họ hoạt động tốt hơn 15 lần so với toàn bộ thị trường cổ phiếu kể từ năm 1926. Chúng tôi cũng đã nghiên cứu so sánh mỗi công ty “nhìn xa trông rộng” này với một công ty “đối trọng” khác vốn không đạt được thành công rực rỡ như vậy – chẳng hạn 3M với Norton, P&G với Colgate-Palmolive, Motorola với Zenith…

Bằng việc nghiên cứu các công ty duy trì sự thịnh vượng trong thời gian dài, chúng ta có thể khám phá ra các nguyên tắc cơ bản bất biến tạo điều kiện cho các tổ chức tồn tại và hưng thịnh. Chúng tôi đã nghiên cứu xem xét các công ty “trường tồn” này dưới lăng kính không chỉ như các công ty khổng lồ mà còn như một doanh nghiệp mới thành lập và đang vật lộn để tăng trưởng. Và họ đã thành công ngay từ những ngày đầu bằng việc giữ vững cùng một hệ thống các nguyên tắc cơ bản; làm tiền đề cho sự bứt phá của những công ty như HP, 3M và P&G trong giai đoạn ngổn ngang để trở thành những hiện tượng của thế kỷ 21.Bằng việc chú ý vào 6 nguyên tắc cơ bản bất biến sau đây, bạn có thể học hỏi gạn lọc được cho mình những bài học quý giá từ thành công của các tổ chức và từ đó có thể mở mang tầm nhìn cho chính công ty của bạn.

Biến chính công ty trở thành sản phẩm tốt nhất
Hãy là người tạo ra chiếc đồng hồ, chứ đừng là người đong đếm thời gian

Hãy tưởng tượng bạn đã gặp một con người đặc biệt có thể quan sát mặt trời hay các ngôi sao và nêu chính xác ngày tháng và thời gian. Tuy nhiên liệu sẽ tuyệt vời hơn không, nếu thay vì dự đoán thời gian, người đó tạo ra một cái đồng hồ để đếm giờ đến mãi mãi, thậm chí sau khi anh ta hay cô ta có qua đời?

Nung nấu một ý tưởng lớn hay trở thành một nhà lãnh đạo có tầm nhìn và uy tín; đó là “việc đo đếm thời gian”. Xây dựng một công ty có thể trường tồn và thành công trong cả một khoảng thời gian dài rộng sau nhiệm kỳ của bất kỳ nhà lãnh đạo nào cũng như trong suốt vòng đời bất tận của mọi sản phẩm; đó chính là “việc tạo ra đồng hồ đếm giờ”. Những người xây dựng các công ty có tầm nhìn xa trông rộng thường là những người tạo ra đồng hồ đếm giờ. Thành công chính của họ không chỉ là thực hiện được ý tưởng lớn, thể hiện uy tín cá nhân, hay tích luỹ gia tài kếch xù, mà là chính công ty đó và những giá trị mà nó đại diện.

Chẳng hạn, T.J. Rodgers, nhà sáng lập và là CEO của công ty Cypress Semiconductor, là người rất xuất sắc, quả quyết, tinh thông về kỹ thuật, và luôn nung nấu một ý chí mãnh liệt phải thành công. Rodgers đã đến gặp Jerry và tôi cách đây vài năm và nói rằng “Tôi muốn vượt khỏi ranh giới một doanh nghiệp thành công nhanh chóng như bây giờ. Tôi muốn xây dựng Cypress thành một công ty tiếng tăm để đời”.

Tôi đã trả lời rằng “T.J., vậy hãy cho tôi biết hiện tại sản phẩm quan trọng nhất của công ty anh là gì?”. Anh ta đáp ngay bằng một sản phẩm kỹ thuật. Tôi đã không đồng ý với anh ta.

Anh ta hỏi lại tôi “Sao anh có thể? Anh không biết gì về kỹ thuật. Anh không biết việc kinh doanh của tôi. Anh không biết về thị trường gì cả”.

Sau đó tôi đã bảo với anh ta là làm thế nào mà khi hỏi David Packard về sản phẩm quan trọng nhất tạo nên sự phát triển đáng kinh ngạc của Hewlett-Packard thì David đã trả lời bằng đó chính là bản thân công ty Hewlett-Packard; là việc mạnh dạn trao quyền để nhân viên tự do vận hành trong khuôn khổ các mục tiêu được xác định rõ ràng, là chính sách “pay-as-you-go” đã trở thành tinh thần của công ty, là quyết định chiến lược cho phép tất cả nhân viên được chia sẻ những thành công tài chính của công ty. David Packard rõ ràng là một nhà lãnh đạo thực sự “tạo ra chiếc đồng hồ”.

Bây giờ thì bất cứ khi nào T.J. Rodgers được hỏi về sản phẩm quan trọng nhất mà anh đang tập trung vào thì anh sẽ trả lời quả quyết rằng “đó là công ty Cypress Semiconductor”. Bằng việc chuyển đổi từ “đo đếm thời gian” (có tầm nhìn rộng về sản phẩm) thành “tạo ra đồng hồ (tạo ra một tổ chức “nhìn xa trông rộng”), anh ta có lẽ đã thực hiện bước đi quan trọng duy nhất trong việc chuyển hóa công ty đang tăng trưởng nóng của mình thành một công ty có tầm nhìn xa và được “xây dựng để trường tồn”.

Đạt được sự chuyển hóa này đòi hỏi phải xem xét toàn bộ mọi thứ từ mọi góc nhìn cũng như mọi ngóc ngách; xem xét các cơ hội sản phẩm và thị trường với tư cách là những phương tiện để xây dựng một công ty vĩ đại, chứ không phải bất cứ mục tiêu nào khác. Thật ra, chỉ có 3 trong số 18 công ty có tầm nhìn xa của chúng ta bắt đầu hoạt động với một “ý tưởng lớn”. Khi chúng ta bước sang thế kỷ 21; sản phẩm, công nghệ và môi trường cũng thay đổi chóng mặt ngay trong vòng đời của mình thì phong cách lãnh đạo “tạo ra đồng hồ” thậm chí trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Xây dựng công ty của bạn xoay quanh một hệ tư tưởng cốt lõi

Nghiên cứu 17 trong số 18 cặp công ty, chúng tôi nhận thấy những công ty có tầm nhìn xa trông rộng được dẫn dắt nhiều hơn bởi một hệ tư tưởng cốt lõi - các giá trị cốt lõi và mục đích cao cả vượt trên cả việc tạo ra lợi nhuận - so với những công ty được so sánh. Chính tư tưởng cốt lõi này sẽ truyền tải cho công ty nhận thức mạnh mẽ về chính bản thân mình cũng như ý thức về tính trường tồn – đây là 2 nền tảng vững chãi mà công ty có thể bám chắc vào để đi qua cơn bão của thay đổi.

Chúng tôi đã chọn từ “hệ tư tưởng” bởi vì chúng tôi tìm thấy một sự “đam mê” mang hơi hướng tôn giáo trong những công ty có tầm nhìn rộng; một điều mà chúng tôi không hề phát hiện thấy trong những công ty khác. Sự “dâng mình” của 3M cho tinh thần sáng tạo, sự cam kết vì chất lượng sản phẩm của P&G, lý tưởng tuyệt đối vì một dịch vụ khách hàng thượng hạng của Nordstrom, niềm tin vào sự tôn trọng cá nhân của HP - là những nguyên lý thiêng liêng, được cả tổ chức trân trọng và theo đuổi một cách đầy nhiệt huyết và được gìn giữ như là một động lực dẫn dắt các thế hệ sau này.

Xây dựng một văn hóa như thể tôn thờ

Các vị “kiến trúc sư” của các công ty có tầm nhìn xa trông rộng không chỉ đơn thuần tin vào các định hướng tốt hay những “tuyên ngôn giá trị” mà họ bắt tay xây dựng cả một văn hóa để tôn thờ và truyền bá các tư tưởng cốt lõi của họ. Walt Disney đã tạo ra một loại ngôn ngữ chung để củng cố hệ tư tưởng công ty mình. Các nhân viên Disneyland chính là “những diễn viên”. Khách hàng là “các vị khách mời”. Công việc của từng người là “phân đoạn” trong một “vở kịch chung”. Như các công ty ngày nay, Disney đòi hỏi tất cả các nhân viên mới phải trải qua một khóa học định hướng “Truyền thống Disney”, qua đó họ cần ghi nhớ rằng việc kinh doanh của công ty là “khiến mọi người hạnh phúc”.

Tinh thần tương tự cũng có ở các công ty có tầm nhìn với quy mô nhỏ hơn, như Granite Rock – một doanh nghiệp kinh doanh đá và nhựa đường ở Watsonville, CA; và là công ty nhận được giải thưởng Chất lượng Quốc gia Malcolm Baldrige (theo “The Change Masters”, tháng 3 năm 1992). Vị CEO Bruce W. Woolpert rất ghét từ “nhân viên”, mà họ là “Người đá”. Và không phải bất kì ai cũng có thể là “Người đá”. Bruce và Steve Woolpert đã thiết lập một hệ tư tưởng tầng tầng lớp lớp về chất lượng, dịch vụ và sự chính trực ngay từ những ngày đầu của thế kỷ này, và nếu bạn không chấp nhận tư tưởng đó, bạn đơn giản không the đứng trong hàng ngũ của tổ chức dù bạn có mang lại bao nhiêu lợi nhuận đi chăng nữa.

(Nguồn: Inc. Special Issue—The State of Small Business)

Sự khác biệt trong tư duy của người giàu và người nghèo

Sự khác biệt trong tư duy của người giàu và người nghèo
Theo cuốn sách “Bí Quyết Tư Duy Thịnh Vượng” của tác giả T.Harv Eker
Tự tạo ra cuộc đời mình, sẵn sàng đón nhận cơ hội, tham gia cuộc chơi tiền bạc để giành chiến thắng... là những cách nhìn khác biệt so với người nghèo.
Người giàu: Tôi tạo ra cuộc đời tôi.
Người nghèo: Cuộc sống toàn những việc bất ngờ xảy đến với tôi.
Người giàu: Tham gia cuộc chơi tiền bạc để thắng.
Người nghèo: Tham gia cuộc chơi tiền bạc chỉ để không bị thua.
Người giàu: Quyết tâm làm giàu.
Người nghèo: Muốn trở nên giàu có.
Người giàu: Suy nghĩ lớn.
Người nghèo: Suy nghĩ nhỏ.
Người giàu: Tập trung vào các cơ hội.
Người nghèo
: Tập trung vào những khó khăn.

Người giàu: Ngưỡng mộ người thành công và giàu có khác.
Người nghèo: Bực tức với những ai thành công và giàu có.
Người giàu: Kết giao với người tích cực và thành công.
Người nghèo: Giao du với người tiêu cực hoặc thất bại.
Người giàu: Sẵn sàng tôn vinh bản thân và giá trị của họ.
Người nghèo: Suy nghĩ tiêu cực về bán hàng, quảng bá.
Người giàu: Đứng cao hơn những vấn đề của họ.
Người nghèo: Nhỏ bé hơn những vấn đề của họ.
Người giàu: Rất biết đón nhận.
Người nghèo: Không biết đón nhận.
Người giàu: Chọn được trả công theo kết quả.
Người nghèo: Chọn được trả công theo thời gian.
Người giàu: Suy nghĩ "cả hai".
Người nghèo: Suy nghĩ "hoặc là/ hoặc"
Người giàu: Chú trọng vào tổng tài sản.
Người nghèo: Chú trọng vào thu nhập từ làm việc.
Người giàu: Quản lý tốt tiền của họ.
Người nghèo: Không biết quản lý tốt tiền của họ.
Người giàu: Bắt tiền của họ làm việc chăm chỉ.
Người nghèo: Làm việc chăm chỉ vì tiền của họ.
Người giàu: Hành động bất chấp sợ hãi.
Người nghèo: Để nỗi sợ hãi ngăn cản họ.
Người giàu: Luôn học hỏi và phát triển.
Người nghèo: Nghĩ họ đã biết hết.
Là một phần trong dự án Học làm giàu phát triển từ năm 2011, bộ tranh "17 tư duy thịnh vượng" được chuyển thể từ nội dung cuốn "Bí quyết Tư duy triệu phú" của tác giả T. Harv Eker. Mỗi tâm thức được chuyển thể thành một bức vẽ riêng, thể hiện rõ thái độ, lập trường của hai nhân vật Giàu và Nghèo.

Sách "Định giá đầu tư"

Sách "Định giá đầu tư"
Tác giả: Aswath Damodaran
Dịch giả: Đinh Thế Hiển & Nguyễn Hồng Long
Nhà xuất bản: Tinh văn Media & NXB Tài chính
Chỉ trong vòng 3 năm từ kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO - thời điềm nền kinh tế chuyển mình mạnh mẽ theo hướng hội nhập - chúng ta đã chứng kiến những biến động đa dạng. Trong tất cả những biến chuyển đó, từ lĩnh vực xuất nhập khẩu, cổ phần hóa, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, các chính sách về tỷ giá và lãi suất… càng ngày chúng ta càng nhận thấy rõ vai trò của đầu tư tài chính với tư cách vừa là động lực, vừa là sự thụ hưởng từ sự phát triển và suy thoái của nền kinh tế.

Việc thị trường chứng khoán tăng giá cực mạnh vào cuối năm 2006 và cơn sốt của thị trường bất động sản vào cuối năm 2007 đã gây ra nhiều luồng nhận định khác nhau về giá trị các tài sản đầu tư này. Trong cơn phấn khích của thị trường, nhiều nhà đầu tư đã bỏ qua những cảnh báo của các chuyên gia phân tích về giá trị cổ phiếu, thậm chí còn cho rằng không có giá trị ảo, chỉ có giá trị thật đang được giao dịch trên thị trường, và mọi phân tích giá trị cổ phiếu chỉ là lý thuyết xa rời thực tế. Thế nhưng, sự suy thoái của thị trường chứng khoán đã khiến nhà đầu tư mất đến 70% - 80% tài sản, rồi sự phát nổ của bong bóng nhà đất cũng đã gây thiệt hại từ 30% - 60% vốn cho những nhà đầu tư tham gia vào giai đoạn cao trào. Trước diễn biến suy giảm của thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán vào năm 2008, nhiều người cho rằng đó chính là hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tuy nhiên, trên thực tế, câu trả lời đã nằm sẵn trong lý thuyết thực chứng về định giá mà cuốn sách này là một minh chứng rõ nét nhất.

Hiện nay, các tổ chức và nhà đầu tư cá nhân đang đi tìm đáp án cho câu hỏi “Đâu là đáy của thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản và liệu có nên tham gia hay đứng ngoài chờ một thời gian?” Nhưng rất ít người có đủ bản lĩnh để phân tích thấu đáo câu nói kinh điển của W.Buffet: “Nên cam đảm khi mọi người sợ hãi, và nên sợ hãi khi mọi người phấn khích”. Nhưng vấn đề là khi nào thì nên tham gia? Và khi nào thì thoái vốn? Những câu hỏi này luôn là mối quan tâm không chỉ đối với nhà đầu tư cá nhân nghiệp dư mà ngay cả các bộ phận phân tích của các quỹ đầu tư với thông tin dồi dào, các nhân viên chuyên nghiệp cũng rất lúng túng. Thực tiễn hiện nay cho thấy lý thuyết định giá của cuốn sách này là một kim chỉ nam quan trọng giúp nhà đầu tư đưa ra được cơ sở nền tảng cho các quyết định của mình. Đây là cuốn sách không thể thiếu với các chuyên viên tài chính của ngân hàng, quỹ đầu tư, các doanh nghiệp cho đến các tổ chức tư vấn và cơ quan nhà nước và cũng là tài liệu cần thiết đối với các sinh viên ngành tài chính - ngân hàng bậc đại học hoặc sau đại học. Hầu như tất cả các tình huống đầu tư cho mọi lĩnh vực đều được đề cập và được giáo sư A.Damodaran đưa ra hướng giải quyết để giải mã giá trị nội tại của các tài sản đầu tư.

Chúng tôi rất vui mừng vì một cuốn sách có giá trị như thế này đã được tác giả, một giáo sư tài chính hàng đầu thế giới và Nhà xuất bản John Wiley & Sons đồng ý nhượng bản quyền cho Việt Nam. Nếu như 5 năm trước, sự xuất hiện của cuốn sách này có thể được coi như là một tài liệu tham khảo cho tương lai thì giờ đây, nó là công cụ hữu ích để nghiên cứu và ứng dụng. Tất nhiên, vẫn có một số vấn đề chưa có hoặc chưa phát triển trong thực tiễn ở Việt Nam như quyền chọn, mua bán sáp nhập doanh nghiệp, nhượng quyền thương hiệu… khiến cho việc dịch thuật gặp khó khăn, dù chúng tôi đã cố gắng Việt hóa các thuật ngữ và diễn giải tình huống. Do vậy, trong quá trình dịch thuật có thể sẽ có những thiếu sót nhất định, và chúng tôi rất mong bạn đọc thông cảm và góp ý để cuốn sách trở nên hoàn thiện hơn.

TS. Đinh Thế Hiển

Sách "Đạo của Warren Buffett"

Sách "Đạo của Warren Buffett"
Tác giả: Mary Buffett & David Clark
Dịch giả: Trần Thị Ngân Tuyến
Nhà xuất bản: DT Books & NXB Trẻ
Bộ sưu tập những lời thông thái súc tích và đầy cảm hứng tiết lộ bí mật thành công của một doanh nhân được yêu thích của nước Mỹ.

Như những lời thuyết giảng của triết gia Trung Hoa cổ đại Lão Tử, những lời thông thái của Warren Buffett thoạt nhìn cũng đơn giản nhưng lại rất hiệu nghiệm khi áp dụng. Trong quyển sách Đạo của Warren Buffett, Mary Buffett - đồng thời là tác giả của ba quyển sách khác về phương pháp kinh doanh của Warren Buffett - kết hợp với chuyên gia về Buffett kiêm giảng viên quốc tế David Clark mang đến cho bạn những lời thuyết giảng thông minh nhất, hài hước nhất, đáng nhớ nhất với mục đích tiết lộ triết lý sống và chiến lược đầu tư đã giúp Warren Buffett và các cổ đông tại Berkshire Hathaway trở nên cực kỳ giàu có.

Thành công trong đầu tư của Warren Buffett không ai có thể sánh kịp. Đó là nhờ ông làm việc chăm chỉ, liêm chính, và một yếu tố hiếm thấy nhất, là cảm nhận. Những lời trích dẫn trong quyển sách này tiêu biểu cho các chiến lược thực tiễn của Warren và minh họa cụ thể các mô hình cho các nhà đầu tư lớn hay nhỏ làm theo. Những lời trích dẫn này được chọn lọc từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm đối thoại cá nhân, báo cáo công ty, bài giới thiệu nhân vật, và phỏng vấn trực tiếp. Các tác giả đưa ra giải thích ngắn gọn cho mỗi lời trích dẫn và sử dụng ví dụ từ các giao dịch của chính Buffett nếu được để minh họa thực tiễn.

Như Warren Buffett đã nói:

“Bạn nên đầu tư vào công ty nào mà ngay cả một thằng ngu cũng có thể điều hành, vì thế nào rồi cũng có ngày một thằng ngu lên nắm quyền điều hành.”

“Nếu có thông tin tay trong và một triệu đôla, bạn có thể trắng tay trong vòng một năm.”

“Có những thứ vẫn phải cần thời gian, bất kể bạn có tài năng hay đổ bao nhiêu công sức: Bạn không thể sinh con trong vòng một tháng bằng cách làm có thai chín phụ nữ.”

“Phương pháp của chúng tôi rất đơn giản. Chúng tôi chỉ cố gắng mua những công ty có cơ cấu kinh tế tiềm ẩn từ tốt đến tuyệt hảo, do những người trung thực và có năng lực quản lý, mua chúng với giá hợp lý. Đó là tất cả những gì tôi đang cố gắng làm.”

Mary Buffett, tác giả của cuốn sách này đã chia sẻ trong phần lời mở đầu rằng: “Càng lắng nghe Warren, tôi càng học hỏi được nhiều điều, không chỉ là trong đầu tư, mà bao quát trong kinh doanh và cuộc sống nói chung. Những câu cách ngôn của ông cứ day dứt mãi trong đầu bạn. Tôi nhận ra mình thường hay trích dẫn lời của ông, hoặc bật lên những suy nghĩ về chúng như một cách để ngăn mình khỏi mắc sai lầm, không bị cuốn vào cơn cuồng phong náo nhiệt của thị trường đang lên. Chúng còn là chiếc kim chỉ nam giúp tôi biết phải tập trung chú ý vào những công ty nào và chọn thời điểm thích hợp nhất để đầu tư…”

Đạo của Warren Buffett tạo nguồn cảm hứng, tạo niềm vui, rèn luyện cho trí óc, và mang đến kiến thức kinh doanh vô giá mà ai cũng có thể áp dụng được khi đi ngân hàng. Quyển sách này đầy thú vị đến mức bạn không thể ngừng đọc, và nó được tiên định sẽ trở thành một quyển sách kinh điển.

Làm Ăn Hay Làm Người - Giản Tư Trung

Làm Ăn Hay Làm Người - Giản Tư Trung
Nghề quan trọng nhất trên đời này, theo nhà tư tưởng vĩ đại thời khai sáng Jean Jacques Rousseau, là “nghề làm người”! Một khi đã làm được người thì không gì là không thể làm được.

Không biết từ bao giờ, hễ nhắc đến “kinh doanh” nhiều người lại thường liên tưởng tới “buôn gian bán lận”?! Và người ta cũng đề cập đến “kinh doanh hướng thiện” như là một mong muốn, đòi hỏi bức xúc của xã hội đối với những người làm nghề kinh doanh.

Theo tư tưởng của Rousseau, vấn đề được giải quyết một cách rất đơn giản: Mỗi người kinh doanh trước hết phải là một con người đúng nghĩa và chỉ cần như vậy! Nói cách khác, mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ liệu mỗi người có làm tốt trước hết cái nghề được xem là “nghề gốc”, nghề quan trọng nhất của mọi nghề: NGHỀ LÀM NGƯỜI hay không.

Từ con người đúng nghĩa…
Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây có những giá trị chung về con người mà hàng ngàn năm không thay đổi. Đó là đã là con người thì phải “vô hại” và “hữu ích”, tức là không hại người và phải có ích với người.
Đó là những giá trị căn bản nhất mà vĩ nhân nào, dân tộc nào, thời đại nào cũng dạy cho con người ta. Khổng Tử, một người thầy lớn trong lịch sử Phương Đông, khuyên: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Điều gì mình không muốn thì cũng đừng làm cho người khác). Còn người Phương Tây thì quan niệm: “Hãy đối xử với người khác theo cách mà bạn muốn người khác đối xử với mình”. Tuy có khác nhau về tâm thế (thụ động hay chủ động) nhưng tựu trung lại đều hướng tới giá trị của con người: sống thì phải hữu ích và vô hại.

Để có thể là con người đúng nghĩa thì cần phải có “năng lực làm người” hay còn gọi là “nền tảng văn hóa”. Đó là phải có cái đầu có khả năng phân biệt phải-trái, tốt-xấu, giả-chân, thiện-ác, cái gì đáng trọng-cái gì đáng khinh…, biết phân biệt ai là ai, cái gì là cái gì và mình là ai, và đặc biệt là biết sống vì cái gì. Đó còn là phải có trái tim giàu lòng trắc ẩn, biết rung lên trước cái đẹp, biết thổn thức trước nỗi đau, và biết phẫn nộ trước cái ác.
Những khả năng này hình thành nên một cái gọi là “hệ điều hành” cuộc đời, mà nếu như được cài đặt vào con người thì cuộc sống sẽ ít thù oán, bạo lực, chém giết, chiến tranh; kinh doanh sẽ không còn chỗ cho bất lương, gian lận… Và giáo dục (bao gồm giáo dục ở nhà trường, giáo dục trong gia đình và giáo dục ngoài xã hội) chính là công cụ để cài đặt “hệ điều hành” này cho mỗi người.

Đến làm ăn lương thiện
Doanh nhân là một con người có năng lực làm người thì sẽ có một doanh nghiệp tử tế và lương thiện. Tuy nhiên, điều này chưa đảm bảo một cách bền vững cho một nền kinh doanh lương thiện vì thường một người tử tế nếu kinh doanh trong môi trường chụp giật thì dần dần cũng sẽ trở nên chụp giật. Ngược lại, họ không tử tế nhưng vào môi trường đàng hoàng thì dần dần cũng trở nên đàng hoàng. Ví dụ, một doanh nhân thuộc diện rất “có vấn đề” trong làm ăn ở một quốc gia kém phát triển nào đó, nhưng nếu sang Mỹ hoặc sang Nhật làm ăn thì dường như họ cũng buộc phải đàng hoàng tử tế hơn.
Nếu như mỗi cá nhân và doanh nghiệp tử tế là điều kiện cần thì thể chế, cơ chế và môi trường kinh doanh là điều kiện đủ để có một nền kinh doanh hướng thiện. Ở cấp độ vĩ mô, nhà nước cần phải có những biện pháp để mọi doanh nhân và doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư làm ăn tại Việt Nam, đều phải coi trọng và nỗ lực hướng thiện, coi đó là chuyện sống còn của doanh nghiệp mình.

Với doanh giới, ngoài việc mỗi doanh nhân thực thi trọn vẹn “nghề làm người” thì cả cộng đồng doanh nghiệp cũng cần có thái độ rõ ràng đối với những kẻ “buôn gian bán lận”, làm hàng giả, hàng nhái, hàng độc hại… Những câu chuyện đau lòng trong xuất khẩu tôm, cá ba sa, hay thanh long… mấy năm trước là minh chứng cho việc một số “con sâu” làm rầu “nồi canh”. Không chỉ các nước sở tại lên án, tẩy chay những doanh nghiệp bất lương đó mà chính cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tiên phong trong chuyện này để bảo vệ hình ảnh và thanh danh của nghề kinh doanh.
Tuy nhiên, cũng có những ngoại lệ. Theo lẽ thường, người ta gần mực thì đen, gần đèn thì sáng nhưng có những người đặc biệt, có nền tảng văn hóa tốt, có “hệ điều hành” tốt và đủ mạnh thì “gần mực không đen” hay nói cách khác “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Nghĩa là với những doanh nhân có nền tảng văn hóa vững chắc, những người có bản ngã thì bất kể kinh doanh ở môi trường nào, họ vẫn giữ được phẩm cách của mình, vẫn là những doanh nhân làm ăn đàng hoàng, tử tế.

“Thật thà thẳng thắn thường thua thiệt”, đúc kết chua chát của dân gian có lẽ cần phải được đính chính lại thành “Thật thà thẳng thắn thường thắng to”. Trong kinh doanh, sẽ không thể “thắng to”, “thắng lâu” và được xã hội thực sự nể trọng nếu chỉ bằng ảo ảo, lọc lừa và gian dối. Ngược lại, với lương tâm và thiện tính, thời nay, một người bán rau cũng có thể trở thành triệu phú đô-la nếu như anh ta giải quyết được vấn đề rau “tử tế” cho hàng chục triệu người dân thành phố.
Tiền tài, địa vị và danh vọng là rất quan trọng, nhưng có những thứ còn quan trọng hơn, đó là, rốt cuộc “mình sống vì cái gì?”. Như cổ nhân đã dạy, “mục đích lớn nhất và quan trọng nhất của con người sinh ra trên đời, đó là sống cho ra một con người!”, và như vậy “làm người” quan trọng hơn “làm ăn”!

(Theo Giản Tư Trung)