Hiển thị các bài đăng có nhãn Bắt đầu thực. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Bắt đầu thực. Hiển thị tất cả bài đăng

Người trẻ nên dành tiền vào 1 việc, không sợ lỗ mà còn nhận được lợi ích lớn nhất

Thế hệ trẻ nhận được sự quan tâm đặc biệt của vị doanh nhân này. Trong thời gian ở Việt Nam, ông đã dành nhiều thời gian tới nói chuyện với sinh viên các trường đại học, cũng như có những bài viết, trả lời phỏng vấn chưa sẻ kinh nghiệm với giới trẻ.

“Đừng sợ thất bại”là lời khuyên mà ông gửi đến thế hệ trẻ trên con đường tìm kiếm sự thành công.
“Mẫu số chung giữa thời tuổi trẻ của tôi và các bạn trẻ bây giờ đó là có năng lực tràn trề, những suy nghĩ khá ngây ngô và nhiều lý tưởng rất “hoang tưởng”. Tuy nhiên, điểm chung lớn nhất mà ở mọi thời thế đều có là cơ hội dành cho các bạn trẻ luôn hiện diện ở khắp mọi nơi, vấn đề là họ có nhìn thấy và nắm bắt được nó hay không”.

“Còn cái khác biệt là thời bây giờ, con người ít phải âu lo về những chuyện no, đói hay chiến tranh. Thêm vào đó, cuộc cách mạng Internet đã giúp người trẻ có được những kho tàng kiến thức 24/7 với tốc độ của ánh sáng”– ông nhìn nhận.

TS Alan Phan cho rằng: “Mình có thể đổ lỗi cho ngày hôm qua nhưng không thể đổ lỗi cho ngày hôm nay và tương lai. Có thể người trẻ chưa được hưởng một nền giáo dục không tốt, họ sinh ra trong một môi trường mà sự vô cảm càng ngày càng gia tăng và đôi khi thiếu cả sự dạy dỗ đúng đắn của gia đình nhưng đó là những chuyện đã qua”.

“Ngày hôm nay là một ngày mới. Những việc mình làm hôm nay và trong tương lai hoàn toàn nằm trong tay mình, cái tư duy mới của mình phải bắt đầu từ ngay bây giờ. Và bắt đầu như thế nào thì thực tình nền giáo dục qua Internet ngày nay phong phú vô cùng. Vấn đề là lựa chọn những gì mình thích và ứng dụng triệt để trên con đường mình đã chọn”.

“Cốt lõi của vấn đề là khả năng chọn lựa và chấp nhận của các bạn. Đừng đổ thừa cho giáo dục hay cho quá khứ”.


Ông khẳng định “Cái đích đến của mỗi cá nhân đều từ bản chất riêng. Bạn muốn đi đến đâu, làm cái gì thì bạn phải tự suy xét, định đoạt và chấp nhận hậu quả. Sự thay đổi theo chiều hướng nào, việc muốn loại thải hay thu nạp cái gì thì mỗi người phải tự biết. Không ai có thể nói hay làm thay bạn được”.

“Gọi tên” 3 điểm yếu của sinh viên Việt Nam
“Lười biếng” là tính xấu đầu tiên. Ông cho rằng, rất nhiều sinh viên hiện nay biếng học, lười tư duy, muốn nhận được những thứ có sẵn chứ ít khi tìm tòi.

Điểm yếu thứ hai được TS Alan Phan đề cập là “Ỷ lại và đổ thừa”. Trông chờ phụ huynh xin việc cho, hoặc khi gặp vấn đề trong công việc, cuộc sống thì hay đổ thừa do số phận, do hoàn cảnh… là những biểu hiện của điểm yếu này.

Một điểm yếu nữa của sinh viên hiện nay là “Hay bỏ cuộc, thiếu kiên nhẫn”. TS Alan Phan nhận định, đây là điểm yếu nhất trong 3 điểm được chỉ ra. Với cách tư duy và thực hiện nửa vời, dễ nản lòng, những người trẻ khó có thể đạt thành tựu nào đáng kể.

Từ những nhận định đó, TS. Alan Phan đưa ra những lời khuyên cho sinh viên, mà theo ông “Thiết lập mục tiêu cụ thể” chính là việc đầu tiên cần làm, đặc biệt là mục tiêu nghề nghiệp. Tiếp đó là việc “Lập kế hoạch cụ thể và dài hạn”. Và cuối cùng là “Tranh thủ những cơ hội tốt để vượt lên”.

Lý giải về việc bỏ ra nhiều thời gian, tiền bạc để đi diễn thuyết trước các bạn trẻ, ông cho biết bởi vì “Tôi muốn giới trẻ có những góc nhìn mới, thay đổi về tư duy mới. Trong quá khứ, không ít những bậc tiền bối, ông cha họ đã kiếm được tài sản, khấm khá nhờ làm quan. Nhưng trong một thị trường mới, kinh tế toàn cầu dựa trên kiến thức thì con đường duy nhất để làm giàu cho đất nước và bản thân đó là tạo ra sản phẩm để đáp ứng nhu cầu và người dân.

Cá nhân tôi tin tưởng thế hệ trẻ chắc chắn sẽ hiểu ra và vượt qua được những người đi trước. Điều mà tôi muốn làm là thúc đẩy quá trình đó nhanh hơn”.

Giáo dục là kênh đầu tư số 1
Trong 8 kênh đầu tư theo lời khuyên của TS Alan Phan, kênh đầu tư vào Giáo dục được ông xếp hàng đầu. Ông lý giải cho điều này như sau:“Một tài sản mà chúng ta không thể mất được khi còn sống là tài sản trí tuệ. Một đầu tư vào giáo dục sẽ đem lại cho bạn, gia đình bạn hay những người thân yêu một tỉ lệ hoàn trái (ROI – return on investment) khoảng 67% mỗi năm, liên tục trong vài chục năm khi bạn có tài sản này. Không một kênh đầu tư có thể qua mặt con số ROI này trong bất cứ tình trạng kinh tế nào.


Tại Việt Nam, vì kinh tế còn dựa vào nông nghiệp vả sản xuất gia công, thay vì vào dịch vụ và công nghệ, nên ROI co thể ít hơn. Nhưng đây là hướng đi bắt buộc của mọi nền kinh tế trong các thập kỷ tới. Ngay cả những khóa học bổ túc kéo dài chỉ vài ba tuần cũng đem lại kết quả rất khả quan cho tài chính cũng như công việc, nhờ có thêm kỹ năng quản lý và chuyên nghiệp chuyên sâu hơn”– đây là lời khuyên của ông với giả định “Nếu tôi là chủ một gia đình trung lưu, có dư chút tiền mặt trong thời điểm hiện tại ở Việt Nam”. 

Còn đối với những bạn trẻ muốn khởi nghiệp kinh doanh, ông có lời khuyên như sau: “Với những bạn kém may mắn đang đấu tranh vất vả đề tìm sự nghiệp hay cơ hội kinh doanh, hãy tin vào con người thực và định mệnh của mình. Phải kiên trì, biết đứng dậy và tiếp tục đi tới khi vấp ngã. Không ai có thể từ chối mãi một con người có ý chí”.

“Với những bạn nhiều may mắn, có đầy đủ vật chất và phương tiện, hãy cố gắng hơn nữa với trí tuệ sáng tạo và tinh thần thanh cao. Nghĩ đến những người kém may mắn, tập cách chia sẻ và hành xử mọi chuyện với chuẩn mực đạo đức và văn minh. Những kẻ xấu có thể đang thắng, nhưng cuối cùng, thế giới sẽ thuộc về những con người thiện tâm và hài hòa”.

Nguồn: vietnamnet – TS Alan Phan: Thế giới sẽ thuộc về những con người thiện tâm và hài hòa
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us


Truyện tranh vẽ trong 2 tuần đạt giải Nhất - Khu vực châu Á

Truyện tranh có tên "Cuộc hành trình đầu tiên" của hai tác giả trẻ Việt vừa giành được giải thưởng cao nhất một cuộc thi trong khu vực châu Á đã mang lại bất ngờ không hề nhỏ đối với làng truyện tranh nước nhà.
Là sản phẩm của hai tác giả trẻ Phùng Nguyên Quang - Huỳnh Kim Liên, truyện tranh thiếu nhi "Chuyến hành trình đầu tiên - The first journey" đã vừa nhận được giải thưởng Truyện tranh màu về giáo dục xuất sắc - Scholastic Picture Book Award trao bởi Hội đồng Phát triển Văn học Singapore và Châu Á NBDCSSA.

Hình ảnh của tác phẩm. Nguồn Zing.vn
 Câu chuyện kể về An - một cậu bé sống tại đồng bằng châu thổ sống Mekong đã có chuyến "phiêu lưu" đầu tiên trong ngày đi học khi đối mặt với những cơn mưa, lũ, rắn rết, và cả những cánh rừng bí ẩn với cá sấu khổng lồ. Mặc dù vậy nhưng An vẫn không hề sợ hãi mà đã một mình "chiến đấu".
Hai tác giả trẻ. nguồn. Zing.vn
  Mặc dù chưa được xuất bản chính thức tại Việt Nam nhưng cuốn truyện này đang được rất nhiều bạn nhỏ trông đợi vì cốt truyện hấp dẫn, hình vẽ sinh động. Được biết, truyện tranh này được hai tác giả trẻ thực hiện trong 2 tuần. Nó đã xuất sắc vượt qua những đại diện tiêu biểu của 135 quốc gia khác và giành được giải thưởng cao nhất.  
Câu chuyện bắt đầu... Nguồn Zing.vn

Nói thêm về hai 9x tài năng đã sáng tạo nên "Chuyến hành trình đầu tiên", Phùng Nguyên Quang, 26 tuổi, vốn là một tác giả thường xuyên sáng tác cho các độc giả nhỏ tuổi và sống ở TP HCM. Còn Huỳnh Kim Liên, 23 tuổi, cũng sống ở TP HCM, được biết tới như một người sáng tác cũng như vẽ truyện tranh cho thiếu nhi. Kim Liên đã tham gia chương trình Xuất bản sách thiếu nhi của tổ chức Room to Read ở Việt Nam với vai trò họa sĩ minh họa.  

Room To Read là tổ chức phi lợi nhuận hoạt động với mục tiêu giảm tỉ lệ mù chữ tại các quốc gia đang phát triển. Trong quá trình sáng tác, bộ đôi tác giả đã nhận được sự hỗ trợ của tổ chức này để hoàn thành tác phẩm trong thời gian ngắn như vậy.

Tìm hiểu thêm tại http://blog.roomtoread.org/room-to-read/llp/

Theo

"Không phải việc của tôi" Bạn đã bao giờ nghĩ? Có một câu chuyện thành công phía sau...

Câu chuyện ý nghĩa về những bài học trong cuộc sống được chia sẻ bởi một vị giám đốc mỗi năm thăng một cấp đang nhận được rất nhiều sự quan tâm và ngưỡng mộ từ cộng đồng mạng.
Những ngày vừa qua, cộng đồng mạng và đặc biệt là các bạn trẻ đang hào hứng truyền tay nhau chia sẻ bài viết "Không phải việc của tôi". Đó là những tâm sự và đúc kết về quá trình làm việc và bí quyết duy nhất để giúp vị giám đốc trẻ chỉ mất 1 năm để thăng 1 chức. 

Status của anh Huy
  
Chúng tôi xin được phép chia sẻ câu chuyện trên:

"Không phải việc của tôi

Năm thứ nhất: Tôi là nhân viên thiết kế web. Một ngày nọ, sếp giao cho tôi thiết kế logo và ấn phẩm của công ty. Tôi đã dành một đêm để học một phần mềm mới về thiết kế in ấn, sau đó hoàn thành nhiệm vụ.

Năm thứ 2: Tôi vẫn là một nhân viên thiết kế, sếp yêu cầu tôi hỗ trợ đội bán hàng. Tôi vui vẻ chạy xe máy khắp các con đường, đi giới thiệu sản phẩm mới.

Năm thứ 3: Tôi thành lập Butchi Creative, chúng tôi thiết kế bìa đĩa. Khách hàng hỏi chúng tôi, liệu có thể giúp họ làm MV với mức giá cực thấp. Tôi đồng ý và cùng team bắt đầu sản xuất một trong những MV bằng hoạt hình đầu tiên ở VN.

Năm thứ 4: Tôi dừng hoạt động của Butchi Creative và gia nhập Who Digital. Trong cuộc phỏng vấn, tôi nói rằng tôi sẽ luôn tìm giải pháp cho những gì được công ty giao cho, kể cả những gì tôi không làm được hay không phải việc của tôi. Và tôi đã làm thế trong 8 năm tiếp theo.

Năm thứ 5: Người đàn anh trong công ty xin nghỉ, tôi xin nhận làm cả mảng lập trình ứng dụng Flash. Tôi được thăng chức sau một dự án đầu tiên mò mẫm từng dòng code. Tôi chủ động tham gia cùng cả bên lập trình cơ sở dữ liệu, góp ý kiến cho họ trong những gì họ làm.

Năm thứ 6: Sếp cho tôi xem một website và hỏi tôi liệu có thể học được công nghệ này để áp dụng cho campaign sắp tới không? Tôi nói chỉ cần họ đã làm được ở nước ngoài thì tôi sẽ học được. Tôi được thăng chức sau khi chứng minh điều này.

Năm thứ 7: Trưởng nhóm sáng tạo của công ty là một anh người Philipines đột ngột nghỉ khi đang làm một dự án quan trọng của công ty. Tôi tiếp quản dự án khi chưa có đủ kinh nghiệm. Tôi được thăng chức sau khi hoàn thành xong dự án.

Năm thứ 8 (2011): Công ty dịch chuyển cơ cấu để chuẩn bị cho sáp nhập với tập đoàn Ogilvy. Sếp nói với tôi: tao sẽ trao cho mày cái chức danh của tao là Experience Director, vì mày đúng là như thế.

Có người hỏi tôi: Làm thế nào anh có thể thăng chức mỗi năm một lần như vậy?

Trả lời: Tôi không bao giờ nói "Không phải việc của tôi"."

Người chia sẻ câu chuyện này có tên là Nguyễn Tiến Huy, chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực Digital Marketing. Từ vị trí một nhân viên thiết kế web bình thường, anh đã trở thành giám đốc điều hành của một công ty thuộc lĩnh vực Digital Marketing tại TP. HCM sau những nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ suốt 8 năm trời với bí quyết quan trọng giúp anh thành công "Không phải việc của tôi". 

Theo chia sẻ của anh Huy, bí quyết "Không phải việc của tôi" có nghĩa là khi bạn được giao bất kỳ công việc gì, đừng bao giờ nói rằng "Tôi không biết". Dù nó có khó khăn và vất vả đến đâu, bạn hãy dùng thực lực và khả năng để chứng minh rằng bạn chắc chắn sẽ làm được việc đó. Dù cho đó có thể không phải là kỹ năng mà bạn biết hay bạn giỏi nhất thì bằng sự cố gắng và học hỏi, bạn nhất định phải hoàn thành nó theo cách tốt nhất mà bạn có thể.

Hình ảnh của anh Huy. nguồn FB

Mỗi năm, vị Giám đốc trẻ đều được thăng chức 1 lần. Ngoài những công việc tập trung vào khả năng chuyên môn mà anh đã có thì anh chưa bao giờ nói "Tôi không biết" và luôn luôn vui vẻ đương đầu với những công việc khác được giao dù nó có khó khăn tới mức nào. Bằng thực lực cùng với sự may mắn, anh đã có được vị trí như ngày hôm nay mà nhiều người phải ngưỡng mộ. 

Sau khi câu chuyện của anh Huy được chia sẻ trên mạng xã hội, đã có rất nhiều bạn trẻ ủng hộ và tỏ ra ngưỡng mộ sự tài năng và cố gắng của vị Giám đốc này, coi đó là một bài học sâu sắc, là động lực và tấm gương cho chính bản thân mình.
  
Lời bình luận của FBer cho Status của anh Huy. Nguồn FB

Câu chuyện chính là bài học sâu sắc về tính chủ động của mỗi người trong bất kỳ công việc nào. Ngày nay, có rất nhiều bạn trẻ có suy nghĩ rằng, khi đi làm ở một công ty nào đó, chúng ta chỉ cần làm đúng và tốt công việc chuyên môn của mình. Nếu không phải việc mà mình không biết hay quá khó khăn thì không cần quan tâm và làm nó nữa. Đó chính là sự "bằng lòng" với bản thân mà sự "bằng lòng" đó sẽ chỉ khiến cho bạn luôn giậm chân tại chỗ mà không bao giờ tiến bộ được. 

Những vấn đề khó khăn đôi khi lại chính là cơ hội để bạn được thử sức và thể hiện tài năng của mình. "Ngại khổ, ngại khó" hay đôi khi là sự lười biếng, ngại phải tiếp xúc và đương đầu với thử thách, vấn đề mới sẽ chỉ khiến bạn ngày càng thụt lùi về phía sau mà thôi. 
  
Nguồn FB

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến đồng tình với suy nghĩ và quan niệm của anh Tiến Huy, nhiều người lại tỏ ra nghi ngờ, băn khoăn về những "may mắn" mà anh đã có. Nhiều bình luận lên tiếng rằng, ở anh hội tụ cả tài năng và sự thức thời, đặc biệt là đúng thời điểm và cách lựa chọn. Có những người, việc gì cũng "ôm" vào mình, khi cấp trên gọi luôn luôn có mặt ngay lập tức, chưa bao giờ ngại khó, thế nhưng kết quả mà người đó nhận được là trở thành "công cụ sai vặt" của những người khác, khiến họ trở nên vô cùng mệt mỏi. 

Một người dùng mạng khác cũng cho rằng: "Công việc của anh Huy là rất đặc thù, không phải công việc nào cũng có thể làm hết như vậy, ôm đồm mọi thứ chỉ khiến bản thân người làm bị ức chế. Hơn nữa, nếu không có những thời điểm may mắn nhất định thì có lẽ anh cũng sẽ không thể thăng tiến dễ dàng như vậy được. 

Sau khi nhận được nhiều ý kiến trái chiều về câu chuyện mà mình đã chia sẻ, anh Tiến Huy đã phản hồi lại như sau:

Đáp trả những cmt cho rằng thành công của anh chỉ là do may mắn. Nguồn FB

 Sau tất cả những bình luận về sự "may mắn" có được, anh Huy cho rằng:
"Hỏi và đáp xung quanh câu chuyện "Không phải việc của tôi"
1. Nên có một mục tiêu dài hạn để làm cơ sở cho mỗi quyết định làm hay không làm. Trong trường hợp của tôi, tôi muốn thành lập một công ty Việt Nam có thể đứng ngang hàng với các bạn Tây, nên tôi lao vào mọi góc cạnh để tìm hiểu. Đến giờ thì tôi đã có một công ty tạm có thể xem là đứng ngang hàng với một số bạn Tây.

2. Không bao giờ nói "Không phải việc của tôi" không có nghĩa là luôn luôn phải nói "Tôi sẽ làm việc đó", mà là "Tôi sẽ đề xuất cho anh một giải pháp cho việc đó". Có thể là bạn làm, hoặc là không. Điều đó cho thấy leadership skill của bạn.

3. "Đó là do may mắn ở trong môi trường được trọng dụng": Các bạn có quyền đuổi việc sếp của mình nếu các bạn đã làm điều số 2 trong nhiều năm mà không có kết quả.

4. "Anh đã may mắn có cơ hội vì người ta nghỉ việc": Trong thực tế thì khi bạn đã làm tốt, một người sếp tốt đã chuẩn bị sẵn cho bạn quyết định thăng chức ngay khi thời điểm đến. Khi có 1 dự án phù hợp hay một nhân sự nghỉ thì chỉ là một thời điểm tốt để đưa quyết định cho bạn.

5. "Anh mà ở trong môi trường nhà nước thì ...": Môi trường là do chúng ta lựa chọn, không phải ngược lại."

Phản pháo lại những bình luận trái chiều về câu chuyện của mình, anh Huy đã nêu lên tất cả những bằng chứng và cơ sở để khẳng định những việc anh đã thực hiện trong suốt thời gian qua là đúng đắn và dựa trên nỗ lực thực sự của mình. 

Một số những bình luận ác ý có thể đã phủ nhận hoàn toàn mọi công sức và khả năng của anh Huy, dù vậy câu chuyện mà vị Giám đốc trẻ tài năng này chia sẻ cũng vẫn là một bài học hay và để lại nhiều kinh nghiệm quý báu cho các bạn trẻ. 



Theo Phương Ly / Trí Thức Trẻ

4 bức ảnh kêu gọi sinh viên đừng bị động trước khi quá muộn


Bộ ảnh “Đừng bị động” đang được lưu truyền trên mạng xã hội là tác phẩm của các bạn sinh viên câu lạc bộ Nguồn nhân lực – ĐH Ngoại thương.
Bộ ảnh gồm 4 bức ảnh cùng mang thông điệp: “Mong muốn các bạn sinh viên nhìn thấy bản thân trong đó, nhận thức rõ sự bị động nằm sâu con người mình, qua đó dần thay đổi để chủ động hơn trong cuộc sống”.
Về cách thể hiện, mỗi bức ảnh trong bộ “Đừng bị động” phản ánh suy nghĩ bị động trong mỗi giai đoạn sinh viên
Bức ảnh miêu tả giai đoạn năm nhất. Lúc này sinh viên chìm đắm trong môi trường tự do của Đại học, họ bị động và lơ là trong học tập.
Giai đoạn năm thứ 2 - 3 . Lúc này sinh viên lưu tâm tới việc học tập hơn. Tuy nhiên, họ vẫn quen lối suy nghĩ của học sinh: chỉ học là đủ, học tốt là được. Họ không chủ động rèn luyện các kỹ năng mềm, kỹ năng tuyển dụng, tích lũy kinh nghiệm làm thêm để chuẩn bị cho tương lai.
"Học đã, tính sau". Đã biết bao lần bạn tự nhủ với bản thân như vậy trước mỗi cơ hội mới? Những thử thách ngoài kia đang chờ đợi bạn chinh phục và trải nghiệm. Những kiến thức bạn trau dồi đã quá nhuần nhuyễn, đến bao giờ mới được phát huy sức mạnh của chúng? Và tới lúc bạn bắt buộc phải đối mặt với thực tế, liệu chúng có đủ nếu như bạn chưa từng thử? Có quá nhiều câu hỏi đang đợi bạn trả lời. Và lời giải đáp bạn kiếm tìm vẫn đang trong tầm tay. Đừng mãi trốn trong vòng an toàn của bản thân và bắt đầu bước đi ngay hôm nay!
Giai đoạn năm thứ 3 - 4. Lúc này sinh viên đã quan tâm đến tương lai của mình, họ băn khoăn đam mê, định hướng nghề nghiệp của mình là gì. Thế nhưng thay vì tìm câu trả lời, họ không chủ động tìm hiểu, dấn thân và trải nghiệm. Họ tự an ủi mình bằng những suy nghĩ như “Khi nào đam mê đến thì sẽ biết”.


Nhóm tác giả trường chia sẻ về bộ ảnh: “Chúng mình hình tượng hóa lối tư duy bị động là những dải băng dính khổng lồ.

Tư duy này đã gắn chặt vào suy nghĩ của sinh viên Việt Nam sau 12 năm ngồi trên ghế nhà trường.
Suốt 12 năm này, chúng ta đã quen với lối học tập, suy nghĩ bị động: Bài ghi cô giáo đọc; Bài tập về nhà cô giáo giao; Đề luyện thi cô giáo soạn…

Phần đông học sinh Việt Nam không có khả năng tự ra sáng kiến, tự hành động. Mà luôn luôn có tư tưởng là mọi thứ cần thiết sẽ được người khác đặt ra trước mắt mình. Điều này rất nguy hiểm khi lên môi trường Đại học, nơi mà các sinh viên phải chủ động tìm kiếm kiến thức, rèn luyện kĩ năng.
Những bạn không kịp thay đổi tư duy thì sẽ thường bị cuốn theo những thú vui ngắn hạn, vô bổ mà đánh mất tuổi trẻ. Phải thú thực, lối suy nghĩ bị động đã “dính chặt” vào chúng ta, nằm sâu trong tiềm thức và đã là một thói quen, một lối sống”.

Các bạn trẻ cho rằng, lối tư duy bị động đang trói buộc người trẻ, kìm hãm phát triển hết tiềm năng của mỗi người, cản trở chúng ta hiện thực ước mơ của mình.

Khi không chủ động thì sinh viên sẽ không có thêm kiến thức mới, rèn luyện và trau dồi kĩ năng mới. Vì vậy, dù có nhiều nguồn tri thức rộng lớn đến đâu, thầy cô hướng dẫn có xuất sắc đến đâu, được trao bao nhiêu cơ hội thì chúng cũng không thể tận dụng hết những điều đó nên không thể phát triển hết tiềm năng. Ở đây, các tác giả đã sử dụng băng dính cuốn quanh người để thể hiện sự trói buộc, kìm hãm.

Các tác giả hi vọng rằng bộ ảnh này sẽ có tác động tích cực tới các bạn sinh viên nói riêng và giới trẻ nói chung. Bộ ảnh là một phần nằm trong chiến dịch phát động cuộc thi Ứng viên tài năng của CLB Nguồn nhân lực.

Mai Châm
Ảnh: HRC - FTU